Cùng dự buổi làm việc có Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, các bộ: Công an, Quốc phòng, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải, Xây dựng.
Tiếp và làm việc với đoàn có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường; Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thị Hằng; Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền, các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBMTTQ Việt Nam và một số sở, ngành, cơ quan, đơn vị của tỉnh Bình Phước. Cùng dự buổi làm việc còn có Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền báo cáo Thủ tướng và đoàn công tác
Báo cáo tóm tắt tại buổi làm việc, đồng chí Trần Tuệ Hiền – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Bình Phước là tỉnh có diện tích rộng trên 6,8 nghìn km2 (lớn nhất vùng Nam Bộ, xếp 16/63 cả nước), là địa bàn chiến lược quan trọng, kết nối giữa các tỉnh Tây Nguyên với thành phố Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam Bộ qua hệ thống quốc lộ 13, 14; gần các cảng nước sâu như cảng Đồng Nai, Sài Gòn, Thị Vải.
Trong thời gian qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Phước đã đoàn kết, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, khắc phục khó khăn, thử thách, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, đạt được kết quả tích cực. Năm 2021, GRDP tăng 6,32% đứng thứ nhất vùng Đông Nam bộ và thứ 20 cả nước. Thu NSNN đạt gần 13,7 nghìn tỷ đồng, tăng 80% so với dự toán và 18% so với năm 2020, đảm bảo các nhiệm vụ chi cho phòng, chống dịch và các nhiệm vụ cấp bách khác.
Quý I năm 2022, các hoạt động sản xuất kinh doanh, kinh tế, xã hội của địa phương diễn ra trong trạng thái bình thường mới và có nhiều khởi sắc. Tổng thu ngân sách ước thực hiện trên 3,23 nghìn tỷ đồng, đạt 27% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao; giải ngân vốn đầu tư công đạt 10% kế hoạch; xuất khẩu ước đạt gần 900 triệu USD, tăng 5,1% so cùng kỳ; Thu hút được 9 dự án FDI với số đăng ký 23 triệu USD; Tỉnh tiếp tục hực hiện tốt chế độ, chính sách hỗ trợ chăm lo Tết cho các đối tượng người có công, đối tượng chính sách, xã hội, công nhân khó khăn, hộ nghèo, trẻ em, người bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền cũng đã đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo bộ, ngành trung ương 5 nội dung, gồm: Bổ sung quy hoạch đất công nghiệp cho Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 2021-2025; Xem xét, phê duyệt dự án nâng cấp mở rộng đường ĐT 753 và xây dựng cầu Mã Đà để kết nối Bình Phước với sân bay quốc tế Long Thành và cảng Cái Mép - Thị Vải; Giải quyết dự án cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành và dự án đường cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước); Thành lập khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Phát triển năng lượng điện mặt trời.
Dưới sự điều hành cởi mở của Thủ tướng Phạm Minh Chính, buổi làm việc đã diễn ra trong bầu không khí sôi nổi, chân thành và có nhiều ý kiến rất trách nhiệm, có chiều sâu, tầm nhìn xa.
Nóng nhất là đề xuất nâng cấp mở rộng đường ĐT 753 và xây dựng cầu Mã Đà để kết nối Bình Phước với sân bay quốc tế Long Thành và cảng Cái Mép - Thị Vải, vì đây là tuyến đường nếu hình thành sẽ đi xuyên qua khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai được UNESCO công nhận. Lãnh đạo 11 bộ, trong đó có 2 trưởng, 4 Ủy viên Trung ương Đảng và Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng đều có ý kiến. Lãnh đạo Bộ Công an, Công Thương, Kế hoạch - Đầu tư còn lấy trường hợp làm đường xuyên qua Vườn quốc gia Cúc Phương để so sánh với trường hợp này.
Hầu hết các ý kiến đều chia sẻ với Bình Phước vì có những bất lợi về giao thông, vị trí địa lý, đồng thời nhất trí với kiến nghị nâng cấp đường ĐT 753 và xây cầu Mã Đà. Bởi đây là sự kết nối rất cần thiết đối với phát triển kinh tế không chỉ của Bình Phước, mà còn với cả khu vực Tây Nguyên và tầm nhìn rộng hơn là với địa bàn giáp ranh Campuchia.
Tuy nhiên, làm đường nhỏ không bảo đảm tải trọng phục vụ công nghiệp, làm đường lớn ảnh hưởng đến thiên nhiên và những cam kết bảo vệ môi trường của Việt Nam. Vì thế, vấn đề này cần tính toán kỹ, mang tính chiến lược lâu dài để không ảnh hưởng đến bảo tồn bên Đồng Nai.
Thủ tướng đã chỉ rõ những nguyên nhân và tồn tại hạn chế, đặc biệt chỉ rõ, điểm nghẽn lớn nhất của Bình Phước là kết nối giao thông, nguồn nhân lực còn hạn chế, phát triển chưa dựa vào khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu, phát huy tính tự lực, tự cường vươn lên từ bàn tay khối óc của mình, tìm mọi cách tăng thu giảm chi, tiết kiệm và tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển; phải xác định trọng tâm trọng điểm, tránh đầu tư dàn trải, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.
Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu thực hiện hiệu quả phương châm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, thực hiện tốt Chương trình phục hồi và phát triển KTXH.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bình Phước
Tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; triển khai thực hiện hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Kế hoạch 5 năm, Chiến lược 10 năm và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI với trong tâm là 3 đột phá chiến lược về: hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính và phát triển nguồn nhân lực.
Nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí, tiềm năng, cơ hội phát triển của Tỉnh trong sự phát triển chung của khu vực, cả nước để đề ra chương trình, kế hoạch, giải pháp phù hợp. Thủ tướng yêu cầu tỉnh Bình Phước nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí, tiềm năng, cơ hội phát triển của Tỉnh trong sự phát triển chung của khu vực, cả nước để đề ra chương trình, kế hoạch, giải pháp phù hợp.
Làm tốt công tác quy hoạch, quy hoạch phải tạo ra được công ăn việc làm cho người dân, phải có tư duy đột phá tầm nhìn chiến lược, phải tập trung trí tuệ, quy hoạch phải đi trước một bước; quy hoạch công nghiệp là phải theo chuỗi giá trị toàn cầu, mở rộng thị trường, đặc biệt là thị trường châu âu, Đông Bắc Á. Tiết kiệm tài nguyên, khai thác tối đa hiệu quả trên đất, bảo vệ môi trường.
Huy động hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển, đẩy mạnh hợp tác công tư, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng và giải ngân vốn đầu tư công; lấy nguồn lực Nhà nước dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực xã hội, tạo sự chuyển biến rõ nét về hạ tầng kinh tế - xã hội. Tập trung xây dựng hạ tầng trong đó chú trọng hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin, tại vùng biên giới, tăng cường tính liên kết nội tỉnh và liên kết vùng.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Thực hiện quyết liệt cải cách thủ tục hành chính hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; Phát triển KTXH đi đôi với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và bảo vệ môi trường. Giải quyết tốt các vấn đề xã hội; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, giải quyết việc làm. Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng nguồn nhân lực.
Coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên. Tăng cường bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội; phối hợp chặt chẽ với nước bạn bảo đảm an ninh trật tự biên giới, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi phát triển KTXH.
Về các kiến nghị của tỉnh, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ ngành liên quan phối hợp với địa phương xem xét, tháo gỡ khó khăn vướng mắc tạo điều kiện cho tỉnh Bình Phước phát triển, những gì vượt quá thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bình Phước nỗ lực phát triển nhanh, hiệu quả, hiện đại và bền vững./.