Cơ chế để người đứng đầu chính quyền phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm trước cấp ủy cùng cấp

Chủ nhật - 12/12/2021 21:53 873 0
BPO - Chủ trương và mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch HĐND được thực hiện ở hầu hết các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây; bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã ở những nơi đủ điều kiện; bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, ấp, khu phố, tổ trưởng tổ dân phố, góp phần tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở. Hiện nay, hầu hết cấp ủy viên các cấp được phân công theo dõi, phụ trách các tổ chức đảng trực thuộc, trực tiếp dự sinh hoạt chi bộ; nhiều nơi phân công đảng viên theo dõi, phụ trách góp phần nắm chắc tình hình, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở đã góp phần nâng cao nhận thức, củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và đồng thuận trong xã hội.

Chất lượng sinh hoạt chi bộ từng bước được nâng lên, nhiều cấp ủy đã ban hành hướng dẫn nội dung sinh hoạt đối với từng loại hình chi bộ, ban hành tiêu chí cụ thể đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ trên địa bàn địa phương mình. Nhiều chi bộ đã đưa việc tự phê bình và phê bình, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào nội dung sinh hoạt hằng tháng; tăng cường sinh hoạt chuyên đề, từng bước khắc phục tình trạng đơn điệu, hình thức trong sinh hoạt đảng. Các cấp ủy, tổ chức đảng ở hầu hết huyện, thị xã, thành phố đã cụ thể hóa các tiêu chí đánh giá phù hợp với từng loại hình tổ chức đảng. Đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức cơ sở đảng thực chất hơn, sát với kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố đã xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, đơn vị, địa phương là một trong 3 vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng cần làm ngay theo yêu cầu của Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI. Để thực hiện hiệu quả giải pháp quan trọng này, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền nhất thiết phải thực hiện đúng những nội dung Trung ương đã nêu trong nghị quyết, chỉ thị và kế hoạch của Bộ Chính trị và cần có cơ chế để cá nhân người đứng đầu chính quyền phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm trước cấp ủy cùng cấp.

Trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu chính quyền

Việc đề cao trách nhiệm người đứng đầu là nội dung quan trọng, cấp bách, bởi sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của chính quyền, vai trò của các đoàn thể đều thông qua cán bộ, đảng viên, cấp ủy và người đứng đầu chính quyền đại diện cho Đảng, Nhà nước trực tiếp đảm đương công việc lãnh đạo, quản lý, điều hành ở đơn vị, địa phương trong phạm vi nhất định. Chất lượng công tác của người đứng đầu thể hiện chất lượng lãnh đạo cụ thể của Đảng, chính quyền ở đơn vị, địa phương mà đại diện là người đứng đầu. Qua đó bộc lộ toàn bộ khả năng, phẩm chất của người cán bộ; đồng thời, thể hiện chất lượng lãnh đạo cụ thể của Đảng ở lĩnh vực mà cá nhân người đứng đầu được Đảng trao quyền đại diện. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Cán bộ là gốc của mọi công việc. Do đó, người đứng đầu lại càng là “gốc” quyết định sự thành, bại của đơn vị, địa phương cụ thể.

Cấp ủy, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy có vai trò rất quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo mọi hoạt động của đơn vị, địa phương. Tinh thần trách nhiệm, ý thức trước nhiệm vụ được giao của người đứng đầu cấp ủy có tác dụng thúc đẩy và tạo lực cho những bước phát triển mạnh mẽ, hoặc ngược lại. Người đứng đầu cấp ủy giữ vai trò quan trọng về đối nội, đối ngoại, nhằm mở rộng mối quan hệ giao lưu, giao tiếp với các đối tác, các mối liên hệ trong cộng đồng và xã hội, tạo điều kiện cho cấp dưới hoàn thành nhiệm vụ; là đầu mối tổ chức triển khai mọi hoạt động của đơn vị, địa phương theo nghị quyết của các cấp ủy. Khi xảy ra các vụ việc liên quan đến trách nhiệm thuộc thẩm quyền quản lý, người đứng đầu cấp ủy luôn luôn phải “đứng mũi, chịu sào”, chịu trách nhiệm chính. Phát hiện, xử lý vấn đề nhanh hay chậm, bỏ qua hay kịp thời khắc phục những mặt yếu kém, những vấn đề nảy sinh... đều phụ thuộc người đứng đầu cấp ủy. Cho nên, trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu cấp ủy rất lớn, có ý nghĩa quyết định mọi thành, bại trong quá trình hoạt động, phát triển của đơn vị, địa phương; giữ vai trò tạo đà, thế, cơ hội cho sự phát huy những thế mạnh; khắc phục những mặt yếu kém của đơn vị, địa phương.

Người đứng đầu chính quyền giữ vai trò quyết định đến hoạt động và phát triển của đơn vị, địa phương. Trong mọi trường hợp, người đứng đầu chính quyền phải chịu trách nhiệm toàn bộ, trực tiếp trước cấp trên và trước đơn vị, địa phương trong chỉ đạo, quản lý, điều hành, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ được phân cấp, phân quyền. Do đó, người đứng đầu chính quyền có trọng trách lớn trong mọi hoạt động lãnh đạo tổ chức, điều hành đơn vị, địa phương thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, có chất lượng; chịu trách nhiệm chính trong việc ra các quyết định, chủ trương, giải pháp cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ và chịu trách nhiệm về quyết định đó. Với yêu cầu phải có khả năng quán xuyến, tổng hợp, khái quát cao, đòi hỏi người đứng đầu có năng lực nghe, nhìn, phân tích, đánh giá hiện tượng, sự việc một cách khách quan và chính xác những vấn đề thuộc thẩm quyền quản lý trong những trường hợp cụ thể, người đứng đầu phải có khả năng dự đoán tình hình để kịp thời chuẩn bị kịch bản ứng phó trên cơ sở 5 nhiệm vụ chung của tổ chức cơ sở đảng quy định trong Điều lệ Đảng, Ban Bí thư Trung ương đã cụ thể hóa và ban hành các quy định về chức năng, nhiệm vụ của tổ chức cơ sở đảng.

Đến nay, Ban Bí thư (khóa IX, X, XI, XII) đã ban hành quy định về chức năng, nhiệm vụ của các loại hình tổ chức cơ sở đảng có hiệu lực thi hành. Quy định của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ của tổ chức cơ sở đảng là văn bản pháp lý quan trọng, là định hướng cơ bản để các tổ chức cơ sở đảng, đảng ủy vận dụng, cụ thể hóa thành nhiệm vụ cho phù hợp và xây dựng quy chế làm việc của cấp ủy mình sát với thực tế của địa phương, đơn vị. Tuy nhiên, các quy định của Ban Bí thư chỉ nêu những vấn đề chung nhất, cơ bản nhất về chức năng, nhiệm vụ của tổ chức cơ sở đảng. Do tính chất, đặc điểm của mỗi loại hình tổ chức cơ sở đảng khác nhau nên việc lãnh đạo thực hiện 5 nhiệm vụ của mỗi loại hình tổ chức cơ sở đảng nêu trên cũng khác nhau: Có loại hình tổ chức cơ sở đảng lãnh đạo trực tiếp toàn diện, quyết định việc xây dựng, thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác tổ chức cán bộ như tổ chức cơ sở đảng xã, phường, thị trấn, tổ chức cơ sở đảng trong quân đội, công an…; có loại hình tổ chức cơ sở đảng chỉ tham gia ý kiến, không quyết định được nhiệm vụ chính trị và công tác cán bộ như: Tổ chức cơ sở đảng trong một số cơ quan, trong các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và trong các trường học, bệnh viện ngoài công lập…

Từ tình hình thực tế ở một số đảng bộ cấp xã trên địa bàn tỉnh Bình Phước hiện nay cho thấy: Còn một số tổ chức cơ sở đảng chưa năng động, kịp thời trong việc cụ thể hóa, tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện một số chủ trương, nghị quyết có nơi, có lúc chưa quyết liệt, còn yếu kém, chậm trễ nhưng chưa xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức ở một số nơi chất lượng chưa cao. Việc tổng kết thực tiễn chưa đi vào chiều sâu. Chưa tạo được bước chuyển biến mạnh mẽ trong ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Vẫn còn tình trạng đảng viên chia sẻ thông tin xấu, độc, chưa rõ nguồn gốc trên mạng xã hội.

Một bộ phận cán bộ, đảng viên bản lĩnh chính trị không vững vàng, có dấu hiệu suy thoái về tư tưởng chính trị, mơ hồ về mục tiêu, lý tưởng của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay. Một số cán bộ, đảng viên chưa tích cực sửa chữa khuyết điểm, thiếu tinh thần trách nhiệm, có dấu hiệu suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, bị xử lý kỷ luật. Tinh thần phê bình và tự phê bình trong sinh hoạt đảng ở một số tổ chức đảng vẫn còn biểu hiện hình thức, nhất là trong cán bộ, đảng viên trẻ. Vai trò bí thư cấp ủy, người đứng đầu có việc chưa rõ với vai trò, trách nhiệm lãnh đạo cơ quan, đơn vị…

(Còn nữa)

Nguyễn Hồng Trà

Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy

Nguồn tin: baobinhphuoc.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 1.3 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Lợi ích của phần mềm nguồn mở là gì?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập6
  • Hôm nay368
  • Tháng hiện tại4,541
  • Tổng lượt truy cập517,013
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây